Trong thời đại mà ai cũng có một chiếc smartphone với tính năng GPS, việc một chiếc Boeing 777 biến mất có vẻ là không thể. Song, liệu việc tìm kiếm một chiếc máy bay có sải cánh hơn 60 mét và chiều dài 64 mét trên biển khơi có thực sự dễ dàng như người ta vẫn tưởng hay không?

Các chuyên gia cho rằng sự cố xảy ra với MH370 đã xảy ra một cách cực kì nhanh chóng và cực kì khủng khiếp. Do tai nạn xảy ra trên biển, sẽ phải mất hàng năm trời chúng ta mới có thể biết được điều gì đã xảy ra với MH370. Khi chuyến bay 447 của hãng Air France gặp tai nạn trên Đại Tây Dương vào ngày 1/6/2009, phải mất tới 2 năm các nhà điều tra mới có thể phát hiện ra nguyên nhân.
"Sự thật là chúng ta khó có thể tìm được thứ gì trên biển", Đại tá J. Joseph, một cựu phi công của Hải quân Lục chiến Hoa Kỳ khẳng định. Điều đáng ngạc nhiên nhất về MH370 là chiếc máy bay đột nhiên biến mất mà không để lại dấu tích gì. Cơ trưởng có tới hơn 18.000 giờ bay của MH370 không hề để lại một cảnh báo hay kêu gọi cấp cứu nào cả. Không có tín hiệu nào từ MH370 cho thấy sự cố đã xảy ra.

Một sĩ quan của Không quân Việt Nam tìm kiếm từ trực thăng
Đây không hẳn là một điều đáng ngạc nhiên, bởi khi sự cố xảy ra điều đầu tiên phi hành đoàn cần làm là cố tìm cách giải quyết sự cố. "Bay, tìm đường rồi liên lạc" là tôn chỉ của các phi công: phi công dân sự Patrick Smith khẳng định rằng việc không có tín hiệu radio nào "không khiến tôi ngạc nhiên".
Song, "Việc không có tín hiệu khẩn cấp nào là khá lạ lùng. Có 2 điều có thể xảy ra. Thứ nhất là tai nạn khủng khiếp và bất chợt tới mức không có đủ thời gian để phát tín hiệu. Thứ 2 là phi hành đoàn đã được huấn luyện để đặt việc liên lạc với mặt đất sau việc giải quyết vấn đề cấp bách ngay trước mắt".
Đó là lý do vì sao cơ trưởng Zharie Ahmad Shaw và cơ phó Fariq Ab. Hamid không thông báo lại với trạm điều khiển không lưu sự cố gì đã xảy ra hoặc không. Nhưng tại sao cả trạm điều khiển không lưu cũng không biết được MH370 đã rơi ở đâu? Lý do là bởi vì chiếc Boeing 777 này đã rơi ngoài biển!
Không hề có radar theo dõi đường bay dân dụng trên biển khơi

Người ta thường hiểu nhầm rằng các phi công máy bay dân dụng sẽ liên tục liên lạc với trạm điều khiển không lưu, và rằng máy bay sẽ liên tục được radar theo dõi. Sự thật là khi máy bay đã cách bờ khoảng 100 hoặc 150 dặm, chúng sẽ ra ngoài khoảng theo dõi của radar. Khoảng cách mà radar có thể theo dõi tùy thuộc vào loại radar, thời tiết và nhiều yếu tố khác.
Khi đã ra ngoài khoảng theo dõi của radar, các máy bay dân dụng sẽ phải liên lạc với mặt đất bằng sóng vô tuyến tần số cao. Phi hành đoàn sẽ gửi tín hiệu tại một số "cột mốc" nhất định để thông báo vị trí, tốc độ gió và độ cao. Việc phi hành đoàn không liên lạc với trạm điều khiển là khá bình thường, bởi quá trình bay ở độ cao 35.000 feet thường diễn ra khá êm ả và không xảy ra các sự kiện bất thường. Một vài phương tiện liên lạc trên máy bay không đòi hỏi phi công phải điều khiển, thay vào đó máy tính quản lý chuyến bay sẽ tự động gửi thông tin qua đường vệ tinh.
Các hệ thống quản lý chuyến bay hiện đại thường dùng GPS để định tuyến, song GPS sẽ chỉ thông báotới máy bayvị trí của mình, thay vì thông báo vị trí về trạm điều khiển không lưu. Điều này cũng giống như là mang iPhone để tìm đường trên sa mạc vậy. Hệ thống GPS trên iPhone vẫn có thể thông báo với bạn vị trí của bạn hiện tại, song không ai có thể dùng Find My iPhone để tìm bạn vì khi không có sóng di động thì iPhone không thể gửi thông tin vị trí về máy chủ. Trong khi việc gửi dữ liệu theo thời gian thực từ máy bay về trạm điều khiển qua vệ tinh là hoàn toàn có thể, nhưng việc tạo ra hệ thống này sẽ tiêu tốn của ngành hàng không hàng tỷ đô la, Smith khẳng định.
